1 Tập Chỉ Trăng

Tập Chỉ Trăng
Bài giảng 1
Lời nói đầu
Tập Chỉ Trăng chủ yếu ghi chép, đầu năm 2017, do Ân sư thượng Không hạ Đạo ở Tịnh thất Hắc Nhĩ Châu Âu, tùy duyên khai thị những nghi hoặc trong tâm của chúng đệ tử. Lúc đó, các huynh đệ trong đạo tràng có người tu lâu năm, kẻ thì mới học, mọi người đều rất hoan hỷ nghinh tiếp, thừa nhận giáo pháp.
Đệ tử Ấn Nhạc chí thành cung kính chỉnh lý ghi chép lại, kính dâng mọi người có duyên tu học.
Phòng Nghiên Cứu Tu Học Nhập Phật Trí
10-05-2017
Khai thị về kinh Kim Cang
Lời tựa
Có một sư huynh mới học Phật, nói đến việc tham học Phật pháp. Đối với khái niệm của “tham” nhận thức chưa trọn vẹn.  
Ân sư dạy rằng: “Chúng ta từ ý căn bản nhất của Phật mà nói, Phật Bồ Tát không tham. Nhưng, các ngài thật sự không tham, thì làm sao có thể thành Phật chứ? Các ngài làm sao đầy đủ mọi công đức, phước đức đây? Những thứ này đều phải đi tạo mới có! Quí vị nói, các ngài có tham hay không? Đều “tham” hơn ai hết! 
Nhưng, các ngài thực sự có “tham” không?
Trước tiên, chúng ta cần phải biết một điều, trong Phật pháp, định nghĩa về tham là gì? Định nghĩa của tham về pháp thiện là gì? Tham, đều thuộc về dục. Hướng về thiện gọi là tham pháp thiện; Hướng về ác gọi là tham. Cho nên, dựa vào sự phân chia này, câu hỏi của quí vị vốn dĩ đã sai rồi. 
Khi chúng ta tu học, thứ nhất, phải làm rõ mọi việc. Sau khi mọi việc làm rõ rồi, tự mình không còn mê muội nữa. Thứ hai, khi nói chuyện với người khác, quí vị mới có căn cứ hợp tình hợp lý. Bằng không, nếu như người ta hỏi như thế, quí vị là một người học Phật lại giải thích không rõ ràng. Ngược lại, quí vị còn cho rằng người ta nói có lý! Vậy thì quí vị chưa độ được người, ngược lại bị người độ đi mất rồi.
Điều này không thể cưỡng từ đoạt lý, ngoan cố. Cho dù quí vị cưỡng thắng đi nữa, người ta sẽ không phục, vì quí vị là người ngoan cố. Phải hợp tình hợp lý, có căn có cứ. Thì lúc này, cho dù người ta có sĩ diện chăng nữa, có tâm ngã mạn chăng nữa, nhưng trong tâm họ hoàn toàn bội phục!
Chúng ta nghĩ thử, mình khiến người ta phát khởi bội phục từ trong tâm, được mấy lần chứ? Chúng ta tự cho mình thắng một cách nhục nhã, lại được mấy lần chứ? Tại sao chúng ta không dùng tất cả công đức của Phật, để trang nghiêm chính mình? Tại sao cứ phải lấy sự nhục nhã để bồi đắp cho chính mình? Có thời gian thì suy xét kỹ, từ từ mà phân tích.
Con người, thực ra hoàn toàn có thể khiến cho chính mình tốt trở lại, nhưng nhất định phải biết rõ lối của mình đi.”
Kinh Kim Cang giảng nói cho hạng người nào
Ân sư hỏi vị đệ tử sơ học: “Con học kinh Kim Cang, thì thầy hỏi về kinh Kim Cang. Kinh Kim Cang là giảng nói cho hạng người nào?” 
Đệ tử trả lời: “Giảng nói cho Tu Bồ Đề, do Tu Bồ Đề thỉnh hỏi. Sau đó, con học thì phân thành ba đoạn: Đoạn thứ nhất là đối với chúng sanh mà giảng nói, đoạn sau là đối với A La Hán mà giảng nói, đoạn cuối cùng là đối với Bồ Tát mà giảng nói. Ngày trước con học như thế”.
Ân sư hỏi: “Kinh điển nói như thế sao?”
Đệ tử trả lời: “Sư phụ trước đây của con tóm tắt như thế”
Ân sư lại hỏi: “Thầy hỏi con, trong kinh điển nói như thế hay sao?”
Đệ tử trả lời: “Không phải….. nhưng mà....”
Ân sư nói: “Con học kinh, hay là học người khác nói?”
Đệ tử thưa: “Lần đầu tiên con nghe người ta nói như thế, con đã có ấn tượng như thế rồi.”
Ân sư nói: “Vậy thì phiền phức rồi. Cái mà con học không phải là kinh Kim Cang, mà là học lời của người khác nói”.
Đệ tử sám hối: “Hổ thẹn, sám hối”.
Ân sư khai thị: “Nay con bỏ hết lời của người khác nói đi, thầy hỏi con kinh điển. Kinh Kim Cang là Phật giảng nói cho hạng người nào?” 
Đệ tử đáp: “Là giảng nói cho hàng Bồ Tát”.
Ân sư hỏi tiếp: “Là giảng nói cho hàng Bồ Tát như thế nào”
Đệ tử đáp: “Đối với rất nhiều Bồ Tát mà nói, chính là đối với hàng Bồ Tát hóa độ, cứu hộ chúng sanh mà nói.”
Ân sư nói rằng: “Con không thể dùng nguyên văn trong kinh sách để nói cho thầy biết hay sao? Nguyên văn trong kinh điển nói rất rõ ràng, đó là hàng Bồ Tát đã phát tâm vô thượng đạo, phát tâm A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề. Các ngài phải an trụ như thế nào, hàng phục tâm này như thế nào.
Trước tiên Phật chỉ định hạng người gì, là người đã phát tâm vô thượng đạo. Là nhằm vào hạng người đã phát tâm vô thượng đạo, an trụ thế nào? Hàng phục tâm này thế nào? Hai vấn đề này phải làm thế nào? Phật nhằm vào hàng Bồ Tát đã phát tâm vô thượng đạo, nhằm vào hai vấn đề này mà nói. Toàn bộ quyển kinh này đều xoay quanh những vấn đề này.
Theo như con nói, làm sao lại có hạng phàm phu chứ? Phàm phu có quan hệ gì với hàng phát tâm vô thượng đạo chứ? Con nói, chúng sanh trong lục đạo không tin Phật nhiều như thế, đều là chúng sanh. Họ không phải là đối tượng để Phật giảng kinh Kim Cang, cho nên nói không thể nói cho chúng sanh. Cũng không thể nói cho hàng A La Hán, bởi vì Phật không nói những điều này cho hàng A La Hán.
Con đọc kinh Kim Cang nhiều hơn thầy mấy trăm lần, thậm chí mấy ngàn lần. Trong kinh Phật chỉ mấy câu nguyên văn đơn giản vậy thôi, con nhất định làm cho nó thành thứ khác, chịu ảnh hưởng của người khác. Lúc nãy chúng ta đã nói, bỏ hết sự ảnh hưởng của người khác đi, tại sao con tự mình không bỏ hết được chứ?”
Làm sao hàng phục tâm này
“Được rồi, vậy con tiếp tục nói cho thầy biết, làm thế nào mới hàng phục được tâm này?
Đệ tử sơ học đáp: “Trụ như thế, hàng phục tâm này như thế.”
Ân sư hỏi: “Hàng phục tâm này như thế? Cái gì gọi là “như thế” ? Thầy “không biết”, con nói thầy nghe thử xem”.
Đệ tử thưa: “Vâng, ưng vô sở trụ”. 
Ân sư hỏi: “Vô trụ ư? Không chỗ trụ? Kẻ lang thang ư?”
Đệ tử trả lời: “Không phải, không phải. Chính là không nên có tâm chấp trước, không nên có tâm vọng tưởng, an trụ tự tánh.”
Ân sư hỏi: “Ồ, an trụ tự tánh, thì có thể hàng phục tâm này ư?
“Dạ! Vô ngã tâm, vô chúng sanh tâm, vô thọ giả tâm”. 
Ân sư chỉnh đốn: “Đó là vô ngã tướng, không phải là vô ngã tâm!”
Đệ tử thưa: “Dạ đúng, đúng, đúng, vô ngã tướng, vô nhân tướng, vô chúng sanh tướng, vô thọ giả tướng.” 
Ân sư hỏi tiếp: “Chắc chắn không? Vậy con nói cho thầy biết, thứ nhất, thầy làm sao mới không có ngã tướng? Không có ngã tướng, con đang nói chuyện với ai? Thứ hai, nếu có ngã tướng, thì không hàng phục tâm được sao? Đức Phật thường nói “Ngã thế này, Ngã thế kia.” Thậm chí trong kinh Niết Bàn nói, “Thường, Lạc, Ngã, Tịnh”, mới là Chân Ngã. Thứ ba, nay con trong phút chốc không có ngã tướng, vậy thì không có ngã rồi. Không có ngã, con đến đây làm gì? Nếu con cũng không có cái “ngã” này nữa, con lại đến để làm gì?
Cuối cùng ân sư dặn dò: “Quí vị đọc quá nhiều, đọc thuộc lòng đến thế, những vấn đề này có lẽ không quá khó. Nếu thầy hỏi cái chưa học qua, vậy thì làm khó quý vị. Nhưng đây đều là điều quí vị đã học qua rồi, hơn nữa thời gian học cũng không ngắn, vấn đề thầy hỏi quí vị cũng không khó. Cho nên lúc ăn cơm chuyên tâm suy nghĩ, đợi ăn cơm xong, quí vị nếu có thể trả lời một cách trọn vẹn, vậy thì lành thay lành thay.”

 
Phòng Nghiên Cứu Tu Học Nhập Phật Trí
07/09/2019